Mùa trồng mới “quốc bảo” sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum

trong-moi-cay-sam-ngoc-linh

Vào đầu đông hằng năm, người dân ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei (thuộc tỉnh Kon Tum) lại bắt đầu một vụ trồng sâm Ngọc Linh mới trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh

Vào những ngày cuối năm, đoàn chúng tôi ngược về H. Tu Mơ Rông ở Kon Tum để trải nghiệm mùa trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, để mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh, người dân Kon Tum lại bắt đầu một vụ trồng sâm mới.

Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum là loại dược liệu quý hiếm, do đó thường được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trồng ở sâu trong rừng, dưới những tán cây cổ thụ. Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể theo chân mọi người đến thăm vườn sâm ở dãy núi Ngọc Linh này. Chúng tôi được một hộ nông dân trồng sâm của xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông dẫn đường. Qua vài giờ băng rừng, băng qua nhiều lớp hàng rào tre, lưới và hố chông, vườn sâm cuối cùng cũng hiện ra trước mắt.

hinh-anh-cay-sam-ngoc-linh
Sâm Ngọc Linh có giá trị cao về mặt y học và kinh tế

Dẫn chúng tôi đi dưới tán rừng già, ông A Bủa (70 tuổi, ở thôn Pu Tá, thuộc xã Măng Ri) cho biết, sâm Ngọc Linh chỉ sống lưng chừng trên các ngọn núi và thường bị mây che phủ. Trước đây, người Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh chỉ dùng sâm Ngọc Linh làm thuốc chữa bệnh. Khi ốm nặng hoặc bị rắn cắn, hay mắc các bệnh thông thường như đau dạ dày, đau bụng, dân làng thường lấy sâm ra ngậm. Cây có vị đắng, mùi thơm nhưng sau khi dùng thì bệnh liền khỏi, ai nấy đều cảm thấy khỏe khoắn. Khi đó, không ai biết đó là cây sâm như ngày nay. Ông Bủa kể rằng trước đây người dân không hề biết giá trị của sâm, nên cứ thế vào rừng đào sâm để đổi. Ở trên đó, mùa mưa thường kéo dài nên người dân rất quý áo mưa. Đã từng có thời điểm bà con đổi cả một gùi sâm chỉ để lấy được hai cái áo mưa.

Mãi đến năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân Y Khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn mới phát hiện ra loại cây này và mang mẫu về nghiên cứu. Theo kết quả nghiên cứu, thân rễ của cây sâm Ngọc Linh có chứa 52 hợp chất saponin. Trong đó, có đến 26 hợp chất saponin với cấu trúc mới chưa từng xuất hiện ở các loại sâm khác. Ngoài saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa polyacetylene, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng.

Những phát hiện mới về hàm lượng dưỡng chất có trong sâm Ngọc Linh đã nâng cao giá trị của loại cây này. Cũng chính vì giàu chất dinh dưỡng và quý hiếm nên giá sâm Ngọc Linh luôn ở mức cao, khoảng 120-260 triệu đồng/ kg. Trước tiềm năng kinh tế lớn, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã quyết định trồng sâm trên đỉnh Ngọc linh.

Trồng mới gốc sâm

Khi giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh được khẳng định, người Xơ Đăng cũng tìm cách trồng sâm trên mảnh đất cha ông để làm giàu. Năm 2014, hàng trăm hộ dân ở các huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei xin vào làm việc cho các công ty trồng sâm trên địa bàn. Công việc chính của họ là chăm sóc và bảo vệ nguồn sâm giống. Đồng thời, hàng năm công ty cũng cung cấp cho họ 100 gốc sâm. Với số sâm này, bà con sẽ cùng trồng trong một khu vườn bí mật và chỉ định một người trông coi. Cũng chính từ đây mà diện tích sâm ngày càng được mở rộng.

trong-sam-ngoc-linh-tai-kon-tum
Năm 2021, tỉnh Kon Tum đặt chỉ tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh

Ông A Brít (ở làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, H.Tu Mơ Rông) – người tham gia trồng sâm ở dãy núi Ngọc Linh cho biết, sau vụ thu hoạch hàng năm, người dân sẽ mang hạt sâm về rừng già để ươm. Đến tháng 3 hàng năm, những cây sâm Ngọc Linh lại đâm chồi nảy lộc và cho củ. Sau khoảng 5 tháng, cây sâm đất bắt đầu phát triển tốt thì tiến hành di thực dưới tán. Tuy nhiên, thời điểm này là khởi đầu của mùa mưa, cây sâm dễ bị thối rễ và chết. Vì vậy, người dân phải đợi đến khoảng tháng 10-11, khi thời tiết khô ráo hơn, rừng không còn ẩm ướt thì mới bắt đầu vào vụ trồng sâm mới.

trong-moi-cay-sam-ngoc-linh
Người dân trồng sâm tại tỉnh Kon Tum

Vào vụ trồng mới, các nhóm hộ sẽ cùng nhau vào rừng, nhổ cẩn thận những cây sâm trồng trong vườn ươm. Sau đó, dùng lá chuối gói lại và trồng ở khu vực đã chuẩn bị sẵn.

“Khi nhổ phải thật nhẹ tay, lấy tay bảo vệ rễ và nhặt cẩn thận. Hạt giống khi gieo rất nông nên khi nhổ cây chỉ cần bới nhẹ. Nhổ xong phải trồng ngay, nếu để khoảng 2-3 ngày, chúng sẽ yếu dần và chết”, ông A Brít nói.

Kết hợp bảo vệ rừng

Theo ông A Brít, sâm Ngọc Linh chỉ sống được dưới tán rừng già. Lá và gỗ mục trong rừng được sử dụng làm phân bón giúp sâm phát triển. Những tán rừng như một chiếc máy điều hòa khổng lồ, tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm sinh trưởng. Chính vì vậy, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh luôn nỗ lực bảo vệ rừng để trồng cây sâm.

“Người dân chúng tôi bảo vệ rừng rất tốt, không còn ai chặt phá, đốt rừng làm rẫy nữa. Trồng sâm Ngọc Linh giúp bà con Xơ Đăng thoát nghèo, hết đói. Nếu không có rừng già thì không có sâm Ngọc Linh đâu. Bà con cùng nhau bảo vệ rừng, trồng sâm để cùng nhau thoát nghèo mà”, ông A Brít chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.