Nỗ lực phát triển cây quốc bảo sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum

sam-ngoc-linh-cua-tinh-kon-tum

Sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ tỉnh Tỉnh Kon Tum. Chính vì vậy, tại tỉnh này có sản lượng và diện tích trồng sâm rất lớn. Tính đến cuối năm 2021, diện tích trồng sâm đã đạt 1.160ha. Với mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến sâm và các loại cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Kon Tum đã đưa ra những phương hướng để phát triển trong tương lai. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp lãnh đạo và người dân, sản lượng và diện tích trồng sâm trong năm 2022 được dự báo sẽ có những đột phá lớn theo hướng tích cực.

hinh-anh-cay-sam-ngoc-linh
Hình ảnh sâm Ngọc Linh được trồng tại Kon Tum

Từ những ngày đầu năm 2022, người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã bắt đầu cần cù trên những cánh rừng nguyên sinh cao hơn 1.800m so với mặt nước biển. Trên thị trường hiện nay, một cây giống sâm Ngọc Linh có giá không dưới 300.000 đồng. Hạt sâm có giá trên 100.000 đồng. Sau 10 năm, khi trọng lượng của sâm đạt 100g tính cả lá tưới thì có giá khoảng 26 triệu đồng. Qua đó có thể thấy loại sâm này có giá trị kinh tế rất cao góp phần cải thiện mức thu nhập của người dân tỉnh Kon Tum.

Theo lời của anh A Chen, làng Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông: “Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, mang lại nguồn thu nhập lớn. Vì vậy, hộ gia đình nào trong xã cũng muốn trồng sâm Ngọc Linh để cải thiện kinh tế gia đình. Đối với chúng tôi, sâm Ngọc Linh không chỉ là một cây dược liệu. Mà đó còn là cuộc sống ấm no và chi phí trang trải đưa con đến trường. Các gia đình sẽ tự trao đổi hạt sâm với nhau rồi tự phát triển diện tích trồng của mình và hợp tác với công ty để cùng trồng và thu mua sâm.”

mo-hinh-trong-sam-ngoc-linh
Sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Kon Tum

Theo thống kê, tổng diện tích trồng sâm tại tỉnh Kon Tum tính đến cuối năm 2021 đã đạt 1.160ha. Diện tích trồng sâm chủ yếu tại các xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng. Bởi tại các xã này có những cánh rừng nguyên sinh tự nhiên rộng lớn. Như đã nhắc đến giá của một cây trưởng thành khoảng 26 triệu đồng. Vì vậy, với 1.160ha thì giá trị kinh tế mà người dân và doanh nghiệp thu được rất lớn. Nhưng với diện tích trồng và sản lượng này thì chưa đủ để phát triển thành một ngành của tỉnh cũng như khẳng định vị thế với các sản phẩm quốc gia.

Với nỗ lực và quyết tâm xây dựng cũng như phát triển trồng sâm thành một ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Đến năm 2022, tỉnh đã tạo nên được những bước đột phá lớn trong việc mở rộng diện tích.

Vấn đề nan giải bấy lâu nay của người dân là không có giống và cây con để trồng đã được giải quyết. Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tuyên bố sẵn sàng bán hạt giống và cây giống cho người dân vào năm 2022. Dù trước đó, doanh nghiệp có tổ chức hỗ trợ cây giống miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này vẫn còn nhiều bất cập như chưa đáp ứng đủ số lượng cây giống của loại sâm này.

cach-cham-soc-sam-ngoc-linh
Một vườn trồng sâm Ngọc Linh của người dân xã Tu Mơ Rông

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cũng sẵn sàng hỗ trợ cho người trên địa bàn 5 xã của huyện Đăk Glei gồm Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Đăk Blô. Công ty sẽ hỗ trợ mỗi xã 1.000 cây giống sâm Ngọc Linh. Song song với đó, hai bên doanh nghiệp và người dân cũng nỗ lực hợp tác và liên kết với nhau để mở rộng diện tích trồng sâm.

Theo chia sẻ của ông Trần Hoàn, Tổng giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum: “Dù công ty phải thuê đất trồng sâm của Nhà nước nhưng người dân không cần lo lắng về vấn đề đất bị thu hồi. Việc người dân phải đảm bảo trong quá trình trồng không được phá rừng hoặc tạo tác động ảnh hưởng đến diện tích rừng. Tuy nhiên, người dân cũng có những cam kết riêng trong tổ hợp tác. Nếu bất cứ ai vi phạm sẽ không được hưởng tài sản nữa. Vì vậy, quy mô liên kết công ty và người dân trồng sâm đang được triển khai rất hiệu quả.”

Huyện Tu Mơ Rông là một trong những vùng trọng điểm trồng sâm. Lãnh đạo huyện đã không ngừng đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề nguồn lực đầu tư. Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã khẳng định, người dân và đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số không cần lo lắng về nguồn lực đầu tư.

Ông Mạnh – chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã tự tin chia sẻ: “Năm 2022 hứa hẹn sẽ là một năm đột phá trong việc trồng sâm trên địa bàn huyện. Vấn đề nan giải bấy lâu nay về giống đã được giải quyết. Đồng thời, tỉnh đã làm việc với ngân hàng để huy động nguồn vay cho người dân trồng sâm lên đến 50 – 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn nguồn vốn hỗ trợ hộ gia đình nghèo và cận nghèo 40 – 50 tỷ động. Chính vì vậy, người dân hoàn toàn không cần lo lắng về vấn đề nguồn lực.”

Tỉnh Kon Tum đã đặt mục tiêu năm 2022 mở rộng quy mô trồng sâm thêm 500ha. Trong đó, huyện Đăk Glei đặt mục tiêu 10ha và huyện Tu Mơ Rông đặt mục tiêu 490 ha. Lãnh đạo, doanh nghiệp và người đã chuẩn bị sẵn sàng để đạt được mục tiêu. Trong năm 2022, tỉnh Kon Tum kỳ vọng sẽ có những bước tiến đột phá trong việc mở rộng quy mô sản xuất sâm Ngọc Linh. Để hướng đến mục tiêu cuối cùng là cung ứng đủ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dược liệu sâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.